Châu Âu "dậy sóng" trước yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông
Các nước châu Âu ngày càng lên tiếng mạnh mẽ nhằm phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông dù không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này.
Trong năm nay, Anh, Pháp và Đức là 3 trong số ít nhất 9 quốc gia đã đưa ra tuyên bố nhằm bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, trong bối cảnh những lo ngại về chủ nghĩa bành trướng trên biển của Bắc Kinh đã vượt ra ngoài phạm vi các nước láng giềng.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng nước này có "quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường chín đoạn" bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông. Mặc dù không liên quan tới bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Anh, Pháp, Đức hồi tháng 9 đã gửi công hàm chung phản đối yêu sách của Bắc Kinh lên Liên Hợp Quốc.
"Yêu sách (của Trung Quốc) không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)", công hàm của 3 nước châu Âu nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh rằng "không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để các nước lục địa nhìn nhận các quần đảo và cấu trúc trên biển như một thực thể thống nhất".
"Mọi tuyên bố trên biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình theo đúng những nguyên tắc và luật lệ của UNCLOS", tuyên bố của Anh, Pháp, Đức khẳng định.
Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên hồi tháng 9.
Hồi đầu tháng 9, Đức cũng cho thấy sự quan tâm của nước này đối với các vùng biển châu Á khi công bố chỉ dẫn chính sách dài 40 trang, trong đó khẳng định Đức đặt mục tiêu "đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Mặc dù Anh chưa có các động thái cụ thể như Pháp, Đức và vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) cũng khiến mối quan hệ giữa nước này với khu vực trở nên phức tạp hơn, tuy nhiên ngày càng có nhiều tiếng nói ở Anh kêu gọi triển khai các tàu quân sự và giám sát các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Năm 2019, Pháp đã công bố tài liệu chiến lược khu vực, trong đó khẳng định sẽ củng cố vị thế của nước này tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác để bảo vệ lợi ích chủ quyền và sự an toàn của công dân Pháp, đồng thời đóng góp tích cực vào sự ổn định quốc tế.
Theo Nikkei, trong số 9 quốc gia lên tiếng từ đầu năm đến nay, Philippines, Việt Nam và Malaysia, là những nước đầu tiên gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông lên Liên Hợp Quốc.
Indonesia, một quốc gia không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hồi tháng 5 cũng gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Công hàm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông "rõ ràng thiếu các cơ sở pháp lý quốc tế" và Indonesia không bị ràng buộc bởi bất cứ tuyên bố chủ quyền nào trái với luật pháp quốc tế.
Australia và Mỹ, hai nước không có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, đều gửi công hàm phản đối lập trường của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuyên bố của hai nước đã lên án mạnh mẽ các yêu sách của Trung Quốc là phi pháp, không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7 tuyên bố những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật". Ông Joe Biden, người được xướng tên là Tổng thống đắc cử của Mỹ, cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Washington về an ninh để đối phó Trung Quốc.
Vì sao châu Âu quan tâm Biển Đông?
Các quốc gia châu Âu từ lâu vẫn hạn chế thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề biển Đông, do mối quan hệ kinh tế của các nước này với Trung Quốc cũng như khoảng cách về địa lý đối với vùng biển này. Tuy nhiên gần đây, các nước châu Âu bắt đầu gia tăng sức ép với Trung Quốc không chỉ về vấn đề biển Đông, mà còn về sự minh bạch của Bắc Kinh trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.
Tháng 8/2019, EU từng lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp liên quan tới các hành vi trái phép của Trung Quốc.
EU cho rằng các hành động đơn phương trên Biển Đông đã dẫn đến căng thẳng leo thang và gây tổn hại cho môi trường an ninh hàng hải, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực.
Awani Irewati, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Indonesia, cho rằng việc các nước ngày càng lo ngại về Trung Quốc có thể ngăn cản Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh. Chuyên gia Irewati nhận định việc nhiều nước không có tranh chấp trên biển với Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ sẽ kiềm chế Bắc Kinh hiệu quả hơn cả sức ép quân sự từ Mỹ.
Theo Sarah Raine, chuyên gia tư vấn cấp cao về địa chính trị và chính sách tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), không có gì bất ngờ khi EU muốn tham gia vào vấn đề Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
"Đó là kết quả tự nhiên của thực tế rằng tại châu Á, EU đã chán với việc bị xem chỉ là một đối tác thương mại và không liên quan tới các vấn đề chiến lược lớn của châu lục, dù EU có vai trò quan trọng ở đó", Asia Times dẫn lời bà Sarah nói.
Nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman tại Chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự của tổ chức SIPRI ở Thụy Điển cho rằng, EU đang cố gắng gia tăng đòn bẩy với Trung Quốc và Mỹ bằng cách chứng minh rằng khối này có vai trò quan trọng trong vùng biển tranh chấp.
"EU muốn chứng tỏ rằng họ vẫn hiện diện ở đó và vẫn có liên quan. 3 nước ra tuyên bố chung (Anh, Pháp và Đức) có những lợi ích đặc biệt lớn trong khu vực. Họ có lợi ích thương mại… Nếu có vấn gì đó ở Biển Đông, các ngành công nghiệp tương ứng của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng", nhà nghiên cứu Wezeman nhận định.
Thành Đạt
Theo Nikkei, Asia Times
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét