Sinh viên bỏ học trốn nợ vì kinh doanh đa cấp
Một nữ sinh đã trải lòng về quãng thời gian mông muội phải trả giá đắt khi tham gia vào công ty kinh doanh đa cấp.
Tâm sự của một bạn sinh viên xin được giấu tên từng tham gia vào kinh doanh đa cấp và phải chịu khoảng thời gian vô cùng khổ cực. Bạn đã lấy cả tiền học phí để đóng dẫn đến cảnh nợ nần. Đây cũng là bài học cho những bạn muốn làm giàu, hoàn thiện mình nhưng lại đi nhầm hướng.
Bạn Đ.X kể lại, bạn biết về Người khổng lồ do nhà trường tổ chức buổi hội thảo và thông tin cho sinh viên tham gia. (Người khổng lồ là khóa học do công ty NTG tổ chức. Đây là một dạng kinh doanh đa cấp, sản phẩm là các khóa học). Lúc đó, X. thấy bị thuyết phục nhưng do dự vì giá tham gia khóa học quá mắc. Tuy nhiên, khi biết được giảm giá 3-5 triệu, bạn nghĩ đây chính là cơ hội để học hỏi.
Trước khi đi học, X. được tư vấn một buổi định hướng tương lai rất “hay” nhưng bạn số tiền bỏ ra để là thành viên chính thức lại quá lớn đối với một “đứa nhóc” mới bước chân vào thành phố học tập. X. đã được một nhân viên của Người khổng lồ có tên Quang Tiến tư vấn. Người này đã bảo X. đi mượn tiền của những người bạn và nói rằng như thế mới biết được tình cảm của họ đối xử với mình tốt hay không.
X. thấy thuyết phục và đã đi vay các bạn để tham gia kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, trong lúc chuẩn bị gia nhập thì X. được quan tâm, thân thiện. Nhưng sau khi học xong khóa học này, thái độ của mọi người lại khác, rất dửng dưng để “chăm sóc” những người mới đến.
Khóa học 3 triệu đó, X. học trong vòng 2 ngày 1 đêm tại tòa nhà Itaxa. Tại đây mọi người được học nghệ thuật giao tiếp đỉnh cao, nhận biết giá trị bản thân, nhận biết giá trị gia đình nhằm hoàn thiện bản thân. Thế nhưng, tiền ăn trưa, bằng chứng nhận, ảnh lưu niệm các bạn cũng phải đóng thêm. Những đồng tiền vay mượn của X. được mọi người lý giải là cơ hội để tập xoay sở với cuộc sống, sau này có biến cố gì thì mình có thể tự giải quyết được. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đó.
X. lại được tư vấn tham gia khóa học Người khổng lồ 2, còn được gọi là người khổng lồ đặc biệt. Khóa học này trị giá 5 triệu nhưng được khuyến mãi còn 2,7 triệu. X. lại bị thuyết phục một lần nữa. Đến lúc này, X. đã vay mượn bạn bè tổng cộng 5,7 triệu.
Nhiều sinh viên tiền mất, tật mang vì đa cấp (ảnh minh họa) |
Đến giờ X. vẫn không biết tại sao mình lại mù quáng đến vậy. Cũng dễ hiểu vì chiêu thức bán hàng đa cấp đánh quá trúng vào tâm lý sinh viên. Các bạn muốn xây dựng tương lai vững chắc, hoàn thiện bản thân để ra đời sống tốt, thậm chí hơn hẳn người khác.
Nhưng, số tiền vay 5,7 triệu lấy đâu mà trả? X. không giám nói với ba mẹ, chỉ biết nhịn ăn để tiết kiệm trả nợ. Có lúc X. chi tiêu 50.000 đồng trong vòng một tháng và nhiều ngày trời X. phải ăn bột đậu xanh, uống nước lã. Để có tiền, X. tham gia hiến máu để có thêm 50.000 đồng và 3 hộp sữa duy trì cuộc sống. Lần đầu tiên trong đời X biết thế nào là đói mờ mắt.
Sau nhiều tháng trời gom góp, cộng với tiền lì xì Tết, hiện tại X. còn nợ 500.000 đồng.
Khi tham gia trong chương trình doanh nhân NTG với vị trí nhân viên. Do kỷ luật quá khắt khe như nộp báo cáo trễ, đi họp muộn… ai cũng phải đóng tiền phạt từ 300.000 đồng đến cả tiền triệu. X. cho biết, nhân viên càng lâu thì tiền nợ bên ngoài càng nhiều, trên 10 triệu là chuyện bình thường. Làm ở NTG phải chấp nhận tiền phạt nhiều hơn tiền lương và luôn được truyền động lực làm việc không cần biết đến thế giới bên ngoài, cuộc sống xung quanh. Thế là việc học tập bỏ dở, các mối quan hệ bạn bè cách xa… chỉ tập trung vào làm để mong mình ngày càng hoàn thiện, kỹ năng càng tốt hơn. Vì vậy mà ai cũng lao đầu vào làm như thiêu thân.
Mọi người nghĩ X. làm ra nhiều tiền lắm, nhưng sự thật X. không có đồng xu nào. X. như làm không công và làm giàu cho CEO. CEO không cần bỏ một đồng nào thuê nhân viên mà lại có rất nhiều sự tự nguyện của sinh viên. Chỉ mong muốn hoàn thiện bản thân mà nhiều người như X. đang là sinh viên cũng bỏ học để tham gia bán hàng đa cấp với quan niệm: bằng đại học không có giá trị.
Sau một thời gian lâm vào bế tắc và nhận thấy việc mình làm vô giá trị, X. đã quyết định nghỉ. Một vài người bạn của X nợ đến 10 triệu và phải nghỉ học để tránh nợ.
Bán hàng đa cấp bất chính hay hình tháp ảo là một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp, trong đó, lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới. Đối tượng làm việc của kinh doanh theo mạng là Sản phẩm, còn đối tượng của hình tháp ảo là tiền
Cho dù nó thường được quy đổi thành sản phẩm, hay dịch vụ nhất định thì nó vẫn là hình tháp ảo khi số lượng sản phẩm tiêu thụ được sẽ luôn tương xứng với số người tham gia (đối với hình thức chân chính, số lượng sản phẩm bán tùy thuộc vào khả năng nội tại của mỗi người). Khi đó, các công ty hình tháp ảo, sử dụng thuật ngữ “đa cấp” ám chỉ việc những người khởi xướng và phát động hệ thống (nằm ở đỉnh tam giác-kim tự tháp) lợi dụng và bóc lột những thành viên bên dưới (đáy tam giác).
Theo Internet
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét