Sư Phượng cấm sãi trong chùa dùng điện, nước
Điện nước trong chùa không được dùng, bà Năm còn kiêm luôn người thỉnh chuông hàng ngày thay sư Phượng.
Năm 1989, bà Nguyễn Thị Năm (72 tuổi) về chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) làm sãi trông nom, quét dọn chùa. Khi đó chùa chưa có nhà sư mà chỉ có thầy cúng thường xuyên làm lễ.
“Từ khi sư Phượng về, mọi chuyện thay đổi. Sư thầy cắt điện, cắt nước không cho sãi trong chùa dùng, thậm chí mỗi tháng tôi phải nộp tiền điện cho xã, còn nước thì lấy ở nhà con rể (anh Chu Văn Sơn) ngay cạnh chùa”, bà Năm cho biết.
Chỗ ở của bà Năm chỉ vỏn vẹn có 4,5m2, kê được một chiếc giường 1,6m, một cái tủ chè cỡ bé. Trong phòng không có gì ngoài mấy đồ dùng cá nhân và vài bộ quần áo cũ. Căn phòng của bà Năm không được sư Phượng quan tâm, cánh cửa mục nát cũng kệ, dột cũng kệ. Bà Năm chia sẻ: “Trời mưa gió hắt hết vào chỗ ngủ cũng không dám kêu la, ở chùa lộc lá bao nhiêu là duyên của mình”.
Bà Năm trong căn phòng nhỏ của mình.
Điện dùng hàng tháng sư Phượng không cho bà Năm dùng mà phải cắm điện từ nhà anh Chu Văn Sơn. Cách chỗ bà ở khoảng 100m dây, ổ điện có sẵn nhưng sư Phượng cấm tuyệt đối. Ngoài ra, vị sư này còn không cho dùng nước chùa, hàng ngày bà phải đi xách nước từ bên ngoài về sinh hoạt.
“Muốn nấu cơm bà phải xách nồi cơm ra nhà tôi để cắm điện, còn điện dùng hàng tháng phải tự mua dây, bóng đèn về mắc, mỗi tháng hết bao nhiêu thì tự trả tiền”, anh Chu Văn Sơn bức xúc nói.
Anh Chu Văn Sơn bên cạnh bồn nước tại chùa Chân Long.
Trong khi đó, bể nước ngầm với ống nước chằng chịt bị vị sư này tư hữu để phục vụ mục đích cá nhân như tắm rửa và thi thoảng phục vụ khách đến lễ chùa.
Già cả, chân yếu nhưng cứ mỗi khi chiều xuống bà phải thay sư Phượng trèo lên chiếc thang làm bằng tre ở cổng Tam quan để thỉnh chuông. Sợ bị muộn giờ, bà còn mua 2 chiếc đồng hồ treo tường để xem giờ giấc. “Nhiều lúc hàng xóm mời đi ăn cỗ, nhưng không dám đi vì sợ trễ giờ thỉnh, nhà Phật lại mắng”, bà Năm tâm sự.
Chua chát hơn, nhiều lần sư Phượng đánh bà Năm nhưng bà không kể với ai. “Khi biết việc xảy ra, tôi và vợ vào chùa để can thiệp, dự định báo lên xã và để anh em biết, nhưng cụ cứ cấm, không cho nói, phận lên chùa thành tâm, có sao chịu vậy, lần nào bà cũng báo vậy”, anh Sơn bức xúc kể.
Bà Năm trèo lên chiếc thang tại cổng Tam Quan để thỉnh chuông hàng ngày.
24 năm ở chùa, một mình trông nom và dọn dẹp các khu nhà Tứ Ân, Tam Quan, Tam Bảo và nhà Tổ. Cặm cụi là vậy nhưng sư Phượng không thèm để ý, lộc rơi lộc vãi không đến lượt.
Theo Tri Thức
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét