Samsung và Apple đơn độc trên cuộc đua smartphone
Nhìn vào sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp điện thoại thông minh, ít ai biết được nó chỉ “tử tế” với hai nhà sản xuất lớn nhất, còn lại thì đều nhận lấy sự khắc nghiệt, trước mắt là BlackBerry.
Một báo cáo mới từ Canaccord Genuity cho thấy Apple và Samsung, hai nhà sản xuất thiết bị di động thành công nhất, đang cùng nhau nắm giữ toàn bộ lợi nhuận của ngành công nghiệp này. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh vẫn đang chật vật và luôn đứng trước nguy cơ không thu được lợi nhuận.
Hai gã khổng lồ công nghệ kiểm soát phần lớn doanh số bán hàng điện thoại thông minh. Người dùng ở các nước đang phát triển dần dần tìm đến điện thoại thông minh để thay thế cho những loại điện thoại di động truyền thống mà họ đang sử dụng.
Samsung và Apple kiểm soát hết lợi nhuận của ngành di động.
Còn những khách hàng mới lại chỉ quan tâm đến điện thoại chạy trên nền tảng iOS của Apple hoặc Android – hệ điều hành được sử dụng trên hầu hết các điện thoại của Samsung và hàng chục nhà sản xuất khác.
Trong một báo cáo, Mike Walkley, nhà phân tích của Canaccord cho rằng, doanh số bán hàng của điện thoại BlackBerry 7 (BB7) đã giảm mạnh, điều đã được dự báo trước cho với tương lai bấp bênh của “Dâu đen”.
“Với việc BlackBerry xác nhận dần rút lui trên thị trường điện thoại thông minh và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ điện thoại thông minh Android giá rẻ tại các thị trường mới nổi, thị phần của BB7 chắc chắn sẽ suy giảm”, ông Walkley nói. ”Trên thực tế, chúng tôi tin rằng doanh số bán hàng của BlackBerry đã giảm hơn 50% so với năm ngoái”.
Trong khi đó, doanh số của BlackBerry 10, thiết bị mới nhất và cũng là chiến lược mà “Dâu đen” tung ra vào đầu năm nay chưa bao giờ được công bố. Nguyên do không chỉ vì nhu cầu của người tiêu dùng quá yếu, mà còn vì sự thận trọng của người dùng ở phân khúc doanh nhân. Họ vẫn đang chờ đợi liệu các thương hiệu điện thoại thông minh như BlackBerry có còn tồn tại trước khi họ mua hàng hay không.
Kết quả báo cáo của Canaccord khá phù hợp với dữ liệu mà IDC công bố. Theo đó, kết quả khảo sát quý 3 ngành công nghiệp điện thoại thông minh, doanh số bán hành của BlackBerry toàn cầu ước tính giảm xuống 4,5 triệu thiết bị so với 7,7 triệu cùng quý năm ngoái. Thị phần toàn cầu của hãng cũng mất đi 1,7% từ 4,1% năm ngoái.
Thị trường smartphone hiện là cuộc chạy đua nghiệt ngã.
Cũng theo IDC, các lô hàng điện thoại chạy trên Android và iOS đạt lợi nhuận lần lượt là 51% và 26% trong quý này. Điện thoại Android chiếm đến 81% lô hàng, trong khi đó Apple chỉ nắm giữ con số khiêm tốn là 12,9%.
Nếu xét đến vị trí thứ ba trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh, đó chắc chắn là Microsoft, người đã vượt mặt BlackBerry để nắm giữ thứ hạng này. Từ một số lượng nhỏ khách hàng, các thiết bị chạy Windows Phone đã tăng 156% doanh số so với năm ngoái. Số lượng điện thoại chạy Windows Phone được xuất xưởng trong quý tăng gần gấp đôi BlackBerry.
Những nhà sản xuất điện thoại chạy trên các nền tảng khác gần như hoàn toàn biến mất khỏi thị trường trước sự bành trướng của hai gã khổng lồ. Lô hàng của những điện thoại kiểu này đã giảm hơn 80%, IDC cho biết.
Sau khi John Chen tiếp quản vị trí CEO, một số lô hàng BlackBerry đã được lên kế hoạch xuất xưởng nhưng cuối cùng vẫn bị bỏ rơi, cùng với những nỗ lực tiết kiệm và cắt giảm chi phí.
Tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa của BlackBerry đã làm không ít người tiêu dùng quay lưng. Bộ Quốc phòng Mỹ từng trang bị gần nửa triệu điện thoại BlackBerry cho nhân viên, đang tìm kiếm “nhiều nhà cung cấp mới” để hỗ trợ các nhu cầu thông tin liên lạc di động cho cơ quan này. Bloomberg News cũng thông tin thêm rằng hãng dược phẩm đa quốc gia Pfizer đã yêu cầu những nhân viên đang sử dụng thiết bị BlackBerry chuyển sang các nhà sản xuất khác với lí do hãng này hoạt động “không ổn định”.
Theo Tri Thức
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét