Lấy con của bác ruột về làm vợ
‘Lấy chàng từ thuở 13, đến khi 18 thiếp đà 5 con’, ‘lời ru buồn’ ấy, có cái gì đó tiếu lâm, hài hước, những tưởng đã là chuyện của xửa xưa thế mà bây giờ “chuyện xửa xưa” ấy vẫn rành rành.
‘Buốt lòng’ hôn nhân cận huyết giữa mây cao
Bác sĩ Hoàng Bá Thước – phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng – vốn là chỗ thân tình với tôi kể về anh chàng người Mông sắm hai cái giường nhỏ xíu ở hai góc nhà sàn, lấy hai bà vợ về để các bà thi nhau đẻ. Viết xong, nhiều nhà hảo tâm buồn thương đem tiền, quà đến cứu những đứa trẻ. Vừa rồi, Trương Văn Ve – người đàn ông 20 đứa con – lại bắt mỗi bà vợ sinh thêm một đứa nữa, khiến ông Thước tá hỏa đi can ngăn. Khổ, chuyện Ve và các bà vợ với hai cái giường ngủ nồng nã kia, làm sao ông Thước biết “đầu đuôi xuôi ngược” được mà đi can ngăn?
Lần này trở lại, ông Thước vừa về hưu sau bao năm đi ngăn không cho người ta đẻ (kế hoạch hóa gia đình) rồi lại ngăn không cho người ta cưới (chống hôn nhân cận huyết và ngăn chặn tảo hôn). “Hủ tục!” – ông Thước thở dài dẫn tôi sang gặp người đương chức khác – bà Lục Thị Thắng – Q.Chi cục trưởng, Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng. Bà đưa ra một chồng tài liệu dày, kèm theo các thước phim công phu do nhà báo Lầu Hải (một phóng viên kiêm biên tập viên, kiêm luôn cả quay phim, chuyên theo dõi mảng dân số – kế hoạch hóa gia đình của đài tỉnh) đã quay và phát sóng.
Hải là người Mông, xuất thân là phiên dịch trong các phiên tòa có người Mông dính dáng đến pháp luật. Với lợi thế về “tiếng” như thế, nên anh xông pha vào các phi vụ chống tảo hôn, chống hôn nhân cận huyết rất hiệu quả. Hải bảo, đau lòng nhất là chuyện hôn nhân cận huyết, bao nhiêu bệnh tật, bao nhiêu mặc cảm ân hận, và cả việc suy giảm giống nòi ra đời từ hủ tục đó. Nhiều người cho biết: Có vụ hai chị em ruột, cô chị đi lấy chồng đẻ được đứa con gái, đợi nó lơn lớn, ông “cậu” cưới luôn con chị gái làm vợ. Anh Ninh – cán bộ dân số huyện Bảo Lạc – đưa ra những bức ảnh, những thước phim về việc các cháu sinh ra bị dị tật, nhiều cháu đã chết thảm vì bố mẹ hôn nhân cận huyết. Nhưng tuyên truyền mãi mà hiệu quả vẫn… rất chừng mực.
Tại bản Khâu Pầu (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc), đang buồn thảm vì 3 vụ tự tử bằng lá ngón gần nhau, có vụ hai vợ chồng cùng chết trong vài ngày, chồng nằm úp trên mộ vợ sau khi ăn lá ngón để chết bằng được theo cái cách mà vợ mình đã chết. Tôi và anh Ninh đi bộ mấy tiếng mới đến nhà chàng trai người Mông tên là Hoàng A Dìa. Dìa không có nhà, đang đi nương rất xa cùng với vợ (vợ Dìa là con gái của bác ruột Dìa. Tức là, mẹ vợ Dìa chính là chị gái của bố Dìa). Gọi di động, từ đầu non chót vót nào đó, giọng Dìa nghiêm trọng: “Mình bận cắt cỏ cho bò, không về được đâu”. Tôi bảo, Dìa cắt cỏ từ giờ đến tối thì được bao nhiêu tiền? Cứ về gặp mình đi, mình mua quà đến thăm hỏi chứ có làm gì đâu, mình lại cho thêm số tiền gấp đôi công cắt cỏ ấy nữa. Thế là Dìa về nhận tiền. Nhưng vợ Dìa thì kiên quyết không bỏ dở công việc.
Chuyện nhà Dìa được máy quay của tôi ghi lại, càng nghe càng buốt lòng, buồn đến ngơ ngẩn. “Chân dung phi vụ hôn nhân cận huyết” được kể bởi chính cuộc đối thoại hồn nhiên của tôi với Dìa:
PV: Bố Dìa tên là gì?
- Bố em là Hoàng A Chẹ.
PV: Mẹ vợ Dìa tên là gì?
- Mẹ vợ em là Hoàng Thị Dình.
PV: Bố em và mẹ vợ em là như thế nào của nhau?
- Là chị em ruột ạ. Hoàng Thị Dình là chị gái của bố em – Hoàng A Chẹ.
PV: Sao em lại lấy con gái của bác ruột mình về làm vợ?
- Em không biết nữa. Em thích thì lấy thôi. Lúc ấy em không biết là như thế thì… không được lấy.
PV: Em tự lấy hay bố mẹ cưới hỏi về làm vợ của em?
- Em tự lấy thôi. Em thích nó xinh mà.
PV: Em có biết lấy con của bác ruột mình là hôn nhân cận huyết, là không nên, là không tốt tí nào cho sức khỏe của các con không?
- Bây giờ em biết rồi. Nhưng cưới nhau rồi, có con rồi, thì còn làm sao nữa hả anh? Mà bây giờ, như em mà lấy vợ khác thì ai người ta lấy nữa đâu?!
Cháu bé này là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết thống.
PV: Thế cán bộ bảo, tháng trước nhà em có đám cưới, là cưới ai đấy?
- Là cưới em trai em, thằng Hoàng A Dờ. Nó đang đi học ngoài huyện thì cưới vợ.
PV: Em trai em cưới ai về làm vợ nhỉ?
- Nó cưới em gái của vợ em. Tức là con gái của bác ruột em, cũng là bác ruột nó – Hoàng A Dờ.
PV: Em đã buồn và lo vì mình đã hôn nhân cận huyết, cán bộ đã đến vận động em của em không nên cưới em gái của vợ em – cũng là con bác ruột của em. Sao Hoàng A Dờ nó vẫn cưới chị con nhà bác làm vợ nhỉ?
- Tại nhà em cũng không biết làm thế nào. Vì khi biết chuyện và ngăn cản thì bọn nó đã yêu nhau rồi và cứ đòi cưới. Không ngăn được thì làm thế nào hả anh?
Nói xong một câu tiếng Việt ngọng nghíu, Dìa lại cười ngẩn ngơ. Giọng của Dìa rành rọt, thật thà, dễ mến, thân thiện vô cùng. Chỉ có việc hai anh em trai Dìa lấy hai chị em gái con nhà bác ruột Dìa là buồn quá. Phong tục mỗi nơi mỗi khác, ta có thể chưa hiểu được điều nào đó, rồi ta cần phải tôn trọng cái sự khác biệt đó. Tôi rất hiểu điều ấy. Nhưng hậu quả của hôn nhân cận huyết thì nó là vấn đề sinh học, sự suy giảm giống nòi, bệnh tật, tai biến – chứ không liên quan gì nhiều đến quan niệm và sự hiểu của anh, đến phong tục và hủ tục, Dìa ạ!
Theo Lao động
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét