Những hình ảnh đi vào lịch sử tại lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Không thể đếm nổi có bao nhiêu trái tim tan vỡ, bao giọt nước mắt lăn dài trên má những bà cụ già cứ thẩn thơ ngoài cổng thương tiếc vị Đại tướng huyền thoại của nhân dân.
Những ngày đại tang Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam.
Gần hai ngày sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Quân y viện 108, gia đình ông mở cửa cho người dân vào viếng 14h chiều 6/10 tại số 30 Hoàng Diệu. Ngay từ lúc này hàng chục nghìn người dân đã đổ về xếp hàng mong được vái chào lần cuối.
4 ngày sau đó, lượng người từ các tỉnh, thành phố xa xôi đổ về càng đông. Họ xếp hàng dài vài km dài ra tận lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vòng một vòng tròn qua Hoàng Văn Thụ về Hoàng Diệu.
Đến ngày cử hành lễ viếng tại nhà tang lễ Quốc gia, lượng người cũng đông không kém. Buổi chiều khi người dân được vào viếng trước linh cữu Đại tướng, có những lúc suýt 'vỡ trận' khi các cơ quan bộ ngành bị lẫn lộn các hàng với dân.
Sự ra đi của tướng Giáp là một sự mất mát quá lớn đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Trong lòng mỗi một người dân, Đại tướng huyền thoại của dân tộc là một tượng đài, do vậy nhiều người sẵn sàng bỏ công bỏ việc tới xếp hàng thậm chí tới 8 tiếng đồng hồ để được một lần bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ ông.
Có nhiều người tự tay làm các kỷ vật có ý nghĩa dâng lên ông. Trong ảnh một cô gái cắt tỉa 103 bông hoa tượng trưng cho tuổi thọ của Đại tướng tạo thành một bức tranh.
Các cựu quân nhân, thương binh, bộ đội và những người đang công tác trong ngành quân đội dù sức khỏe có yếu đến đâu cũng quyết đặt chân đến nhà tang lễ để kính viếng ông
Có những người dù sau khoảng thời gian dài xếp hàng mệt lả và ngất xỉu cũng vẫn quyết tâm bám trụ tại đường vào nhà tang lễ.
Đêm 10/10, ngày cuối cùng gia đình Đại tướng mở cửa cho người dân vào viếng trên phố Hoàng Diệu. Khi cánh cổng đóng lại, những cảm xúc vỡ òa trong đau đớn bỗng bùng lên. Được viếng Đại tướng rồi nhưng nhiều người vẫn cứ nán lại mong được vào thăm lần nữa.
Người nhà Đại tướng đã phải liên tục cảm ơn nhân dân, ông mong bà con cô bác sớm về nhà nghỉ, đừng đứng ngoài khóc mãi ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình.
Gần 10.000 thanh niên tình nguyện ở Hà Nội được huy động làm nhiệm vụ cho lễ tang Đại tướng.
Lễ viếng Đại tướng còn có rất nhiều em nhỏ tham dự. Dù còn bé nhưng các em đều đã được cha mẹ kể cho nghe về những chiến công của ông trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Lẫn trong dòng người đó có cả những bé chỉ mới 1 tuổi, thậm chí vài tháng tuổi. Cháu Nguyễn Minh Hòa từ Hải Dương lên Hà Nội trên tay bố mẹ xếp hàng gần 8 tiếng mới được vào trong viếng tướng Giáp.
Đứng trước ban thờ của ông, không ai cầm được nước mắt.
Trong suốt một tuần, cứ đêm đến người dân lại tổ chức thắp nến tưởng nhớ Đại tướng trên phố Hoàng Diệu.
Họ thức thâu đêm ngồi trên vỉa hè chờ đến ngày hôm sau vào viếng.
Ông Thanh, một cựu chiến binh từ Thanh Hóa lên xếp hàng vào nhà tang lễ khóc sướt mướt suốt chặng đường từ cổng.
Giáo sư Vũ Khiêu ngồi xe lăn, mắt ông như nhòe đi khi chuẩn bị được tới gần linh cữu Đại tướng.
Gần như cả Hà Nội đổ ra đường từ biệt Đại tướng trong buổi sáng 13/10.
Trong lịch sử không có nhiều người được lòng dân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một người đàn ông quỳ lạy và nức nở khóc khi linh cữu đi qua.
Đoàn đưa tang dài hàng km với hàng chục chiếc xe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước , các quan chức bộ ngành và người thân.
10h34' chiếc máy bay ATR 72 chính thức đưa vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam rời mảnh đất thủ đô đưa ông về với đất mẹ Quảng Bình.
Theo: Tri thức
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét